Nồi bánh chưng ấy
Ngoài trời mưa lớt phớt rơi chẳng ngơi. Giờ phút này mà được ngồi cạnh nồi bánh chưng thì thích phải biết. Khổ nỗi lúc này tôi đang ngồi rửa lá dong. Cái rét tháng chạp dường như khiến chậu nước đã lạnh càng thêm lạnh. Lạnh, lạnh thật đấy! Nhưng nghĩ đến việc mai luộc bánh thì lòng tôi lại lâng lâng.
Nhà tôi có lệ cứ hai nhăm, hai sáu tết sẽ gói bánh. Hồi ngoại tôi còn sống thì cả nhà tập trung nhau lại. Người vo gạo, vo đỗ; người thái thịt, ướp thịt; người đánh nồi, bắc bếp; người rửa lá, lau lá… Mỗi người một công một việc, sau đó tất cả ngồi gói bánh, nói chuyện rôm rả. Phải mất tới cả buổi sáng ấy. Gói xong mọi người lại cùng nhau nấu nướng từ những thứ còn thừa để ăn cơm trưa. Ăn xong, dọn dẹp xong mới bắt đầu nấu bánh. Bà ngoại tôi vẫn luôn dặn dò phải trông nồi bánh chưng để sôi liên tục mười hai tiếng. Thế nên tết nào chúng tôi cũng phải trông tới quá nửa đêm mới được vớt bánh.
Nồi bánh chưng to sôi sùng sục cùng đốm lửa nổ lách tách khiến lũ trẻ vui sướng ngồi quanh. Chúng nó hí hửng mong chờ nướng khoai. Cái mùi thơm khoai nướng lan toả chui vào từng lỗ mũi đám nhỏ khiến chúng hít hà mãi chẳng ngơi. Còn đám thanh thiếu niên như tôi hồi ấy thì tụ tập nhau lại chơi bài, nào là ba que, tiến lên; nào là ù. Đứa nào thua sẽ bị quẹt nhọ nồi vào. Khi mà đứa nào đứa nấy bị các bà các mẹ đuổi đi tắm hết trơn rồi quay ra chơi ăn tiền. Chỉ là mấy đồng tiền lẻ năm trăm, một nghìn đồng thôi nhưng cũng khiến cả đám khoái chí. Rõ ràng cái bóng đèn rạng đông 15W không đủ sáng nhưng ánh lửa bập bùng ấm cúng đủ cho lũ chúng tôi nhìn rõ. Thậm chí lũ nhỏ sợ ma cũng cứ thích rúc trong góc bếp hưởng hơi ấm của nồi bánh chưng toả ra. Kể cũng lạ, rõ ràng đã nửa đêm mà đứa nào đứa nấy tỉnh như sáo, chờ vớt cứ bằng được bánh chưng mới chịu đi ngủ.
Vui lòng đăng nhập để bình luận.
Bình Luận