Kỳ 1: Worldbuilding là gì? Hãy lên kế hoạch nhưng đừng để kế hoạch đè chết bạn

Worldbuilding là gì?

Worldbuilding là công cụ, không phải mục tiêu.
Worldbuilding là công cụ, không phải mục tiêu.
Worldbuilding là công cụ, không phải mục tiêu.
Điều quan trọng nhắc lại ba lần.

Thế, worldbuilding là gì? Đó là quá trình tạo ra một thế giới giả tưởng, phục vụ cho một câu truyện – mà đến lượt nó, có thể cuốn hút người đọc tới mức họ tin rằng thế giới ấy là thật.
Tóm gọn lại, worldbuilding là bịa chuyện và vẽ bản đồ, nhưng ở mức nghệ thuật cường điệu hơn.

Nhiều người nghĩ rằng một thế giới càng chi tiết thì càng tốt. Nhưng trên thực tế, một thế giới chỉ thực sự mạnh mẽ khi nó phục vụ một cốt truyện hay.

Tôi lấy “Attack on Titan” làm ví dụ. Tác giả Hajime Isayama không bắt đầu với một bộ bách khoa toàn thư về ba bức tường và hệ thống chính trị của Marley hay Paradis. Thực tế, trong một cuộc phỏng vấn, anh đã thừa nhận: “Nhìn lại về nó bây giờ, tôi không nghĩ mình đã có một kế hoạch hoàn hảo ngay từ những ngày đầu chấp bút…”

Isayama bắt đầu, chỉ với ý tưởng xây dựng một bộ one-shot cùng với trạng thái cảm xúc: “Ngày hôm đó, nhân loại nhận được lời cảnh tỉnh đen tối, rằng họ chỉ như những con chim trong lồng”.

Nhưng từ đó, những bí ẩn về Titan và thế giới bên ngoài bức tường Maria dần được hé lộ một cách rất tự nhiên.

Ngược lại, có nhiều tác phẩm cố gắng nhồi nhét worldbuilding vô tội vạ mà không có nổi một cốt truyện hấp dẫn. Bạn đã bao giờ đọc một cuốn sách mở đầu bằng mười trang kể về nguồn gốc của một vương triều mà chẳng liên quan gì tới nhân vật chính chưa? Bạn có muốn xem một bộ phim bỏ cả nửa mùa chỉ để phân tích quy luật phép thuật không?
Tôi cá là không, các tác phẩm thành danh sẽ không bao giờ dội bom thông tin xuống đầu người đọc như vậy.
Một thế giới hoành tráng không cứu được một câu chuyện nhạt nhẽo. Nhưng một câu chuyện hay ho có thể khiến ngay cả một thế giới đơn giản nhất cũng trở nên đáng nhớ.

Bình Luận

Đang tải bình luận...
Chưa có bình luận