Quân đội thời Hậu Lê.

Lực lượng vũ trang của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn và sau đó của nhà nước phong kiến triều đại Hậu Lê.

Lực lượng vũ trang Hậu Lê trải qua 3 thời kỳ khác nhau, do vậy về tổ chức biên chế cũng có sự khác biệt nhất định trong các giai đoạn lịch sử đó.

Trải qua ba thời kỳ xây dựng và tồn tại: Thời kỳ khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh giải phóng (1418-1427); thời kỳ các vua Lê trị vì đất nước (thời Lê Sơn, 1428-1527) và thời kỳ Lê Trịnh (Lê Trung Hứng, 1533-1788).

1. Giai đoạn thứ nhất (1418 – 1427):

Trong thời kỳ này, lực lượng tham gia đội quân khởi nghĩa – nghĩa quân Lam Sơn – lúc ban đầu khoảng 2000 người, trang bị thô sơ. Được nhân dân ủng hộ và phát triển nhanh chóng trong chiến tranh. Đến năm 1426, quân số đã lên tới 250.000 người. Đã chiến đấu và giải phóng đất nước (khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh).

Quân khởi nghĩa Lam Sơn được tổ chức thành các vệ, trong đó có 14 vệ quân Thiết đột, và các đội thuỷ binh, kỵ binh (ngựa chiến) và tượng binh (voi chiến). Binh sĩ trong quân đội Lam Sơn đều là những người tự nguyện (nghĩa binh), tự giác dưới cờ nghĩa của Lê Lợi để chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

2. Giai đoạn thứ hai (1428-1527) – Quân đội nhà Lê Sơ.

Quân khởi nghĩa Lam Sơn được tổ chức lại thành quân đội của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền dưới các triều vua Lê, theo cơ cấu hành chính phù hợp với bộ máy chính quyền các cấp.

Quân đội Hậu Lê giai đoạn này được tổ chức thành 5 đạo, theo 5 đạo hành chính trên cả nước, dưới đạo theo từng cấp là các trấn (lộ), phủ, huyện (châu), xã. Quân ở mỗi đạo đều đặt dưới quyền cai quản của quan Hành khiển (viên quan này cai quản mọi mặt ở địa phương mình, kể cả quân sự).

Bình Luận

Đang tải bình luận...
Chưa có bình luận