Bạn có từng nghe về những “trò chơi” bất ngờ để tiếp đãi khách đến nhà trong những dịp tết đến xuân về như vượt chướng ngại vật trên sông đặc biệt là sông Như Nguyệt và sông Bạch Đằng hay trò chơi ai nhận pháo hoa đại bác nhiều nhất hoặc là được xem biểu diễn múa lân bằng tượng binh chẳng hạn,… Bây giờ chúng ta lần lượt điểm qua một số “trò chơi” mà ta đã tổ chức tiếp khách nhé.
Đầu tiên là mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt đã tiếp đãi Quách Quỳ, Triệu Tiết và hơn bốn mươi lăm ngàn quân Tống trên sông Như Nguyệt bằng tiết mục vượt chướng ngại vật trên sông. Tết năm ấy, cả dòng sông Như Nguyệt được khoác lên mình bộ cánh đỏ tươi màu máu, cùng hát vang khúc ca hoà bình. Tiệc chiêu đãi hoành tráng gần cả tháng thì cũng đến lúc chia tay, Thái uý quyến luyến tiễn đưa hai vị tướng của hàng xóm về đến tận biên giới còn gửi kèm cả đặc sản địa phương cùng với thư chúc Tết cho vua Tống.
Tiếp là, mùa xuân năm 1258, trên bến Đông Bộ Đầu, đích thân vua Trần Thái Tông và thái tử mở tiệc đãi khách. Sau khi chủ khách cùng vui vẻ chè chén, trừ một số đông quân lính lưu luyến không muốn về muốn vĩnh viễn ở lại Đông Bộ Đầu thì đều theo Ngột Lương Hợp Thai trở về Mông Cổ. Không như nhà Tống, sau lần được Thái uý Lý Thường Kiệt chúc Tết trên sông Cầu thì không còn cơ hội đến lần nữa. Hai mươi bảy năm sau, tức năm 1285, do còn quyến luyến hương vị tết Việt nên một lần nữa, quân Mông Cổ lúc này đã đổi cách xưng hô là nhà Nguyên đã dẫn theo hơn ba mươi vạn quân dự định đến Thăng Long đón Tết Nguyên đán. Với lòng nhiệt thành hiếu khách có một không hai, quân dân nhà Trần đã đồng lòng dọn sạch sẽ nhà cửa, sạch đến mức không còn một hạt bụi và mở cổng thành chào đón khách phương xa đặt chân vào hàn xá. Khách đến mà không đãi tiệc chúc mừng thì sao tỏ được lòng mến mộ. Thế nên chẳng bao lâu thì ta lại mở một tiệc đỏ lần hai sau hai mươi bảy năm. Lần này, vì số lượng khách đông hẳn hơn so với lần trước mấy chục lần nên thời gian mở tiệc cũng lâu hơn so với dự tính, tốn kém cũng to hơn do chướng ngại vật cần chuẩn bị cũng công phu hơn. Nhưng mà miễn khách vui vẻ thì có tốn bao nhiêu cũng không thành vấn đề, miễn là vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Vì lòng hiếu khách quá đỗi này của Đại Việt thế nên hai, ba năm sau, tức cuối năm 1287, đầu năm 1288 quân Nguyên và Thoát Hoan lại kéo sang ăn Tết. Cũng như mọi lần, quân dân nhà Trần đều dốc hết sức cho hàng xóm thấy được sự hoan nghênh và sự mến khách của chủ nhà. Vì lẽ đó mà đa số họ đã lựa chọn vĩnh viễn ở lại trên sông Bạch Đằng xây nhà định cư không về quê quán nữa. Sau lần ăn tết năm đó, quân Nguyên chắc cũng không còn quá mức nhớ nhung quyến luyến hương vị tết Việt nữa.
Bình Luận